Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Đất nền Long Hậu tăng nhiệt

Thời gian qua thị trường đất nền có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên ở những khu vực hạ tầng hoàn thiện, pháp lý sổ đỏ từng nền và quy hoạch đồng bộ thì giá đất nền vẫn luôn tăng giá, nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Hạ tầng hoàn thiện

Giới bất động sản nhận định, với hàng loạt những lợi thế về mặt bằng giá và hạ tầng, bất động sản ở cửa ngõ Nam Sài Gòn sẽ tiếp tục thu hút đầu tư. Trong hơn 25 năm qua, từ vùng đất phèn trũng, Nam Sài Gòn đã xuất hiện Phú Mỹ Hưng - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam, nơi thu hút đông đảo giới trí thức, doanh nhân, Việt kiều và người nước ngoài đến sinh sống. Ngoài Phú Mỹ Hưng, hiện nay Nam Sài Gòn đang đón thêm nhiều dự án tầm cỡ, hứa hẹn chia sẻ tình trạng quá tải cho trung tâm thành phố. Theo quy hoạch, TP. HCM đang xúc tiến xây dựng hai dự án lớn là khu đô thị - cảng Hiệp Phước với quy mô hơn 3.900 ha và khu đô thị - du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha.



Để đáp ứng nhu cầu phát triển, thời gian vừa qua TP. HCM cũng đã đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ. Ngoài đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Tân Thuận 2, cầu Kênh Tẻ và cầu Nguyễn Văn Cừ, mở rộng Quốc lộ 50, thời gian tới Nam Sài Gòn còn được bổ sung các dự án như đường trục Bắc – Nam kéo dài từ Quốc lộ 22 đến khu đô thị - cảng Hiệp Phước, cầu Kênh Tẻ 2, cầu Thủ Thiêm 4, nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ… Đặc biệt, tuyến metro số 4 sẽ được kéo dài ra từ Thạnh Xuân (quận 12) ra đến khu đô thị - cảng Hiệp Phước. Tổng vốn đầu tư cho các công trình quan trọng này lên đến hơn 5 tỉ đô la Mỹ.

Chưa hết, Nam Sài Gòn còn được hưởng lợi rất lớn từ các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 đang thành hình và cao tốc Bến Lức – Nhà Bè - Long Thành đang chuẩn bị đưa vào hoạt động. Mới đây TP. HCM cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Bình Khánh, cầu Cần Giờ và nâng cấp đường Rừng Sác để tăng cường tính liên kết giữa tam giác đô thị gồm Phú Mỹ Hưng – Hiệp Phước và Cần Giờ. Những công trình “tỉ đô” này hứa hẹn sẽ tạo nên cú hích phát triển đột phá cho toàn bộ khu vực phía Nam TP. HCM, bao gồm cả huyện Cần Giuộc và Bến Lức của tỉnh Long An. Đây cũng là lý do Nam Sài Gòn được đề xuất thành lập đặc khu kinh tế trong thời gian tới.

Tiềm năng bất động sản

Nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng của bất động sản vùng ven Nam Sài Gòn, giới đầu tư đã đổ xô ra khu vực này để đón sóng hạ tầng. Năm 2018, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã triển khai dự án tại Nam Sài Gòn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Sadeco, Hưng Lộc Phát, Nam Long… Sức nóng còn lan tỏa đến huyện Cần Giuộc, Bến Lức giáp ranh TP. HCM với các dự án của Long Hậu, T&T Group, Nam Long... Ngay cả những “ông lớn” như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Him Lam, Thaco cũng đều đang chuẩn bị triển khai các dự án khổng lồ tại đây.

Tháng 8 năm 2018, Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi (DKR) đã công bố dự án Long Hậu Riverside có quy mô hơn 20 ha nằm trong khu vực phát triển kinh tế sôi động, tập trung nhiều cảng lớn và khu cư dân sầm uất. Ngoài hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, Long Hậu Riverside còn bao gồm các tiện ích cao cấp như công viên cây xanh, khu vui chơi, dãy phố thương mại, khu ẩm thực… nhằm kiến tạo một khu đô thị chuẩn mực và khép kín hiện đại bậc nhất khu vực.

Được biết, mức giá của Long Hậu Riverside chỉ từ 13,8 triệu đồng/m2, khá hấp dẫn so với giá đất tại khu vực liền kề thuộc TP. HCM từ 20 triệu đồng/m2 trở lên. Trong khi đó, từ Long Hậu Riverside di chuyển đến GS Metro City chỉ mất 7 phút và đến Phú Mỹ Hưng cũng chỉ khoảng 15 phút nên tiềm năng rất lớn. Trong tương lai, khi các công trình hạ tầng hoàn thiện và khu đô thị - cảng Hiệp Phước hình thành sẽ giúp khơi dậy và gia tăng giá trị cho Long Hậu Riverside.

Rối việc bồi thường cho nhà cấp phép tạm

Quy định cấp phép xây dựng hiện hành không đề cập bồi thường, hỗ trợ cho công trình tạm nên trường hợp này đang gặp vướng mắc.

Cùng là được cấp phép tạm nhưng có trường hợp được bồi thường, có trường hợp chỉ hỗ trợ và nhiều trường hợp chưa rõ có được áp dụng các chính sách này hay không.

Đó là vướng mắc tại Quyết định 28/2018 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM vừa có hiệu lực hôm 19-8.

Trước năm 2017: Được bồi thường hoặc hỗ trợ
Theo Quyết định (QĐ) 28, nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng (CPXD) có thời hạn sẽ được bồi thường, hỗ trợ tùy thuộc vào thời điểm xây dựng. Cụ thể là có bốn mốc thời gian, căn cứ bốn văn bản quy định về CPXD tạm từ trước đến nay.

Theo đó, nếu nhà xây tạm theo hiện trạng cũ hoặc đất có mục đích sử dụng là đất ở theo QĐ 68/2010 thì hỗ trợ bằng 80%. Các trường hợp CPXD tạm trên các loại đất khác thì hỗ trợ bằng 60%.

Công trình xây tạm theo các QĐ 21/2013 và 27/2014 thì sẽ được hỗ trợ bồi thường nếu sau thời hạn năm năm kể từ ngày công bố quy hoạch mà Nhà nước không thực hiện.

Tuy nhiên, những trường hợp được CPXD tạm theo QĐ 26/2017 (đang là quy định hiện hành) thì QĐ 28 không nói rõ. QĐ 28 chỉ nêu việc hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại QĐ 26 do TP ban hành năm 2017 về CPXD.



Trong khi đó, QĐ 26 chỉ nêu chung chung “khi giấy phép xây dựng (GPXD) hết thời hạn mà quy hoạch vẫn chưa thực hiện thì cơ quan đã cấp GPXD phải thông báo cho chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình về điều chỉnh quy hoạch xây dựng và thực hiện gia hạn GPXD có thời hạn”. QĐ 26 không nói rõ nhà cấp phép tạm có được bồi thường, hỗ trợ hay không như ba QĐ về CPXD tạm trước đó.

Nhà xây dựng tạm: Phải cho hoàn công, bồi thường
Theo ông Lại Phú Cường, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, nguyên tắc của bồi thường là hễ có giấy tờ pháp lý đầy đủ thì bồi thường, ngược lại thì xem xét hỗ trợ. Theo ông, việc được CPXD có thời hạn chưa phải là pháp lý chính thức nên sẽ chuyển qua hình thức hỗ trợ.

Các trường hợp cấp phép tạm trước năm 2017 (theo QĐ 21 và 27) có quy định sau năm năm Nhà nước không thực hiện quy hoạch, người dân mà đi cập nhật tài sản lên giấy chứng nhận thì được bồi thường. Trong trường hợp không cập nhật thì được hỗ trợ.

Đây là những cơ sở pháp lý để xem xét bồi thường, hỗ trợ cho nhà cấp phép tạm. Tuy nhiên, từ năm 2017 thì QĐ 26 về CPXD không đề cập bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp cấp phép tạm.

“Như vậy công trình tạm sẽ không được bồi thường và chủ đầu tư buộc phải tháo dỡ công trình. Còn việc hỗ trợ thì sẽ phải xem xét từng trường hợp cụ thể” - ông Cường cho hay.

Quan điểm này tương tự ý kiến của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức: Không bồi thường nhưng xem xét hỗ trợ cho trường hợp cấp phép tạm theo quy định hiện hành. “Theo tôi, vẫn phải hỗ trợ mới công bằng với người dân sống trong quy hoạch” - đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng cho hay.

Trong khi đó, huyện Nhà Bè thì cho rằng nhà xây tạm theo QĐ 26 thì người dân sẽ phải tự tháo dỡ mà không được bồi thường lẫn hỗ trợ. “Chắc chắn rằng người dân sẽ có nhiều tâm tư, thậm chí khiếu nại và cũng không công bằng. Tuy nhiên, đối chiếu theo quy định của QĐ 28 là không được bồi thường, hỗ trợ” - một lãnh đạo huyện Nhà Bè giải thích.

Việt Hoa (PLTPHCM)

Đà Nẵng: Sẽ có hơn 1.400 phòng khách sạn 3-5 sao gia nhập thị trường cuối 2018

Nhận định này được Savills đưa ra tại báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng nửa đầu 2018.

Thời gian qua, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Nửa đầu năm 2018, thành phố đón 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 29% theo năm. Trong đó, khách quốc tế tăng 47% theo năm, đạt mức 1,6 triệu lượt.

Để đáp ứng nhu cầu du lịch, đã có 109 khách sạn 3-5 sao với khoảng 12.900 phòng cung ứng ra thị trường. Dự báo, trong nửa cuối năm 2018, hơn 1.400 phòng khách sạn 3 đến 5 sao sẽ gia nhập thị trường Đà Nẵng.

Đối với căn hộ khách sạn, báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường này cho biết, tổng nguồn cung đến từ 15 dự án. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn dẫn đầu nguồn cung với 57% thị phần. Các dự án mới và giai đoạn mở bán tiếp theo cung cấp khoảng 1.570 căn ra thị trường.



Thị trường căn hộ khách sạn cũng ghi nhận sự tăng giá thời gian qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.100 USD/m2 (khoảng hơn 40 triệu đồng/m2), tăng 19% theo năm nhưng tỷ lệ hấp thụ đạt 86%, giảm -8 điểm % theo năm.

Nguồn cung phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng cũng chỉ đến từ 5 dự án, riêng quận Ngũ Hành Sơn có 12 dự án, tương đương 91% thị phần.

Thị trường không ghi nhận nguồn cung mới cùng với nguồn cầu ổn định dẫn đến tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt 86%.

Theo Savills, uy tín chủ đầu tư, cam kết lợi nhuận cùng lợi thế gần biển là những nhân tố quyết định thành công của dòng sản phẩm này.

Trong nửa cuối năm 2018, dự kiến thị trường có thêm 45 căn biệt thự nghỉ dưỡng.

Ở phân khúc căn hộ bán, Đà Nẵng chứng kiến sự giới hạn về nguồn cung sơ cấp, dẫn đến giá chào bán tăng. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ hấp thụ trung bình tương đối cao đạt 93% với lượng bán được cao hơn cùng kỳ năm trước gần ba lần. Giá chào bán trung bình đạt 1.800 USD/m2 (khoảng 40 triệu đồng/m2), tăng 28% theo năm.

Tổng nguồn cung tăng 19% theo năm từ 20 dự án.Ba dự án mới cung cấp 830 căn ra thị trường. Trongđó quận Sơn Trà dẫn đầu thị trường sơ cấp với 68% thị phần.



Tâm An
Theo Cafeland.vn

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Bình Dương có thêm một dự án đất nền gia nhập thị trường

Khu dân cư Thiên Phúc quy mô 2,3ha tọa lạc ngay thị xã Thuận An, Bình Dương do Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Cát Tường phát triển vừa chính thức ra mắt thị trường.

Khu dân cư Thiên Phúc quy mô 2,3ha do Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Cát Tường phát triển. Dự án Tọa lạc tại trung tâm thị xã Thuận An, Bình Dương, từ đây chỉ mất  5-10 phút đến siêu thị Aeon Mall, Big C, Lotte Mart, trường Đại Học Bình Dương, bệnh viện Quốc tế Columbia, bệnh viện Quốc tế Miền Đông, sân Golf Sông Bé...

Dự án có đầy đủ các tiện ích như Trường mầm non Vành Khuyên, hệ thống công viên cây xanh, Công viên vui chơi...Hiện Khu dân cư Thiên Phúc đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, các tuyến đường giao thông nội khu, hạng mục cây xanh, hệ thống điện, hiếu sáng đều hoàn thiện, sổ đỏ riêng từng nền, khách hàng có thể xây dựng ở ngay.



Hiện chủ đầu tư đang chào bán với giá từ 18 triệu đồng một m2, khách hàng chỉ cần thanh toán 50%, phần còn lại trả trong 24 tháng.

Được biết, Thị xã Thuận An là đô thị công nghiệp hàng đầu tại Bình Dương, với 2 cụm công nghiệp An Phú và An Thạnh; 3 khu công nghiệp là: VSIP 1, Việt Hương, Đồng An.

Ngoài vị trí là đô thị công nghiệp hàng đầu, thu hút lượng lớn lao động nhập cư, thị xã Thuận An còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa với các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng như: resort An Lâm, resort Phương Nam, khu du lịch Xanh Dìn Ký, làng du lịch Sài Gòn, sân Golf Sông Bé, du lịch miệt vườn Lái Thiêu...

Với quy mô ngày càng mở rộng, các cụm - khu công nghiệp tại địa phương kéo theo lực lượng các chuyên gia, lao động trẻ về sinh sống và làm việc ngày càng lớn. Từ đó, nhu cầu về nhà ở cũng gia tăng nhanh chóng, khiến thị trường bất động sản nơi đây không ngừng sôi động.

Nam Anh

Theo InfoNet

TP.HCM: Kiến nghị Thủ tướng sớm giải quyết dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tạm ngưng thi công

UBND TP.HCM vừa có văn bản số 3767/UBND-DA gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan về dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” tạm ngưng thi công.

Theo đó, do đây là dự án có quy mô lớn (tổng vốn đầu tư 9.926 tỷ đồng), kỹ thuật phức tạp, có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết ngập cho thành phố, vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các bộ ngành liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu Công trình xây dựng - Bộ NN-PTNT), TP.HCM và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan cho UBND TP.HCM và chủ đầu tư để đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng.

Tính đến ngày 31/7/2018, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%). Giá trị đã giải ngân (bao gồm tạm ứng) là 4.840 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 803 tỷ và vốn vay là 4.037 tỷ) và giá trị khối lượng hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Giá trị chưa được giải ngân là 850 tỷ đồng.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018. Tuy nhiên, Vào cuối tháng 4/2018, nhà đầu tư có văn bản thông báo việc tạm dừng thi công toàn bộ công trình do Ủy ban Nhân dân TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn, khiến ngân hàng BIDV thông báo tạm dừng cấp vốn cho dự án.



Theo đánh giá từ phía chủ đầu tư - Công ty CP Tập đoàn Trung Nam, ngoài nguyên nhân nêu trên, hiện tại do vướng vấn đề mặt bằng thi công, do vậy khả năng hoàn thành dự án theo cam kết sẽ không khả thi, dù đơn vị này đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP.HCM xem xét tháo gỡ.

Cụ thể, Trung Nam cho biết thêm dù chỉ còn khoảng 30% khối lượng công việc nhưng nguy cơ bị trễ hẹn do một số quận, huyện chưa bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công. Trong đó, có một số công trình đã cơ bản hoàn thành nhưng phần thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè bị "đứng bánh" do ách tắc về mặt bằng. Theo chủ đầu tư, thời gian còn lại chỉ 2 tháng nên rất khó hoàn thành đúng kế hoạch.

Các quận, huyện cam kết đến tháng 7/2017 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao. Để kịp tiến độ, chủ đầu tư đã ứng tiền trước (không nằm trong dự án) thuê, bồi thường cho người dân nằm trong phạm vi dự án để có mặt bằng thi công.

Nguyên Minh

Theo Trí thức trẻ

“Bất động sản nghỉ dưỡng còn rất nhiều tiềm năng dài hạn”

Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các điểm du lịch mới nổi giàu tiềm năng sẽ là “cú hích” cho thị trường BĐS du lịch biển trong vài năm tới, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định tại Diễn đàn BĐS du lịch biển Việt Nam 2018 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Đại diện của CBRE cho rằng, tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam đang gây ấn tượng với gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, trong đó một số thị trường có tỷ lệ tăng trưởng mạnh như Nha Trang (66%), Phú Quốc (58%), Đà Nẵng (39%), Quảng Ninh (22%).

Còn theo đánh giá của ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation thì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) về khách quốc tế của du lịch Việt Nam giai đoạn 5 năm gần đây đang ngang bằng với Thái Lan, nước có chỉ số cao nhất ở Đông Nam Á trong cùng giai đoạn.

Nhiều đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường nhận định, những con số ấn tượng nói trên sẽ là "đòn bẩy" kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong dài hạn tại Việt Nam.

"Bùng nổ" tại các thị trường mới

Trong bức tranh tích cực chung về BĐS nghỉ dưỡng, sự trỗi dậy của những thị trường mới nổi là một trong những xu hướng có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong 2 năm trở lại đây.

Sự phát triển này một phần đến từ đầu tư quyết liệt của Nhà nước về hạ tầng với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, sân bay Đà Nẵng - Cam Ranh – Vân Đồn,  cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn…; phần khác đến từ sự góp mặt của những doanh nghiệp địa ốc lớn với những siêu dự án ngàn tỷ.

Chính những dự án này đã đưa Phú Quốc, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Bình.... từ những khu vực hoặc hoang sơ về du khách hoặc nghèo nàn về hạ tầng, dịch vụ đã nhanh chóng lột xác trong thời gian ngắn để trở thành những thị trường nghỉ dưỡng đầy tiềm năng, đem lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư tiên phong.



Đánh giá về dư địa tăng trưởng của các thị trường mới nổi trong dài hạn, CBRE cho biết, tính đến tháng 6/2018, cả bốn thị trường Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Phòng  mới chỉ có 4.558 phòng khách sạn 4-5 sao, thấp hơn rất nhiều so với tổng số 24.312 phòng tại  Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Quảng Ninh. Dư địa phát triển về BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại những thị trường này đang rất lớn.

Về tính thanh khoản nói chung, theo CBRE, khả năng hấp thụ vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan khi tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng gồm căn hộ bán và khách sạn, trừ thị trường Nha Trang, đạt gần như 100%.

Nhiều dự án nghỉ dưỡng nổi bật của các chủ đầu tư lớn trong hai quý đầu năm 2018 ghi nhận tính thanh khoản vượt trội, đơn cử như FLC Quảng Bình, một trong những điểm sáng của BĐS nghỉ dưỡng miền Trung từng gây "sốt" thị trường với tỷ lệ đăng ký thường xuyên vượt qua 90% tại các sự kiện ra mắt.

"Như vậy, những sản phẩm có chất lượng cao, vị trí đẹp, khả năng cho thuê tốt vẫn sẽ có tỷ lệ hấp thụ tốt trong tương lai," bà Dương Thùy Dung nhấn mạnh.

Condotel vẫn là miếng bánh màu mỡ

Nhận định về mô hình condotel, một trong những sản phẩm chủ lực của BĐS nghỉ dưỡng thời gian qua, nhiều chuyên gia có chung nhận định đây là một mô hình sở hữu nhiều ưu thế, mang lại lợi ích đồng bộ cho cả nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như cộng đồng xã hội nói chung.

"Không có mô hình huy động vốn như condotel thì Việt Nam không thể có các công trình nghỉ dưỡng lớn như thời gian vừa qua.  Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang đã thay đổi nhờ mô hình này", ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.

Để condotel có thể phát triển bền vững, theo nhiều chuyên gia, có hai vấn đề lớn cần quan tâm: tính pháp lý và khả năng chi trả của chủ đầu tư theo lợi nhuận cam kết.

Về lợi nhuận cam kết trung bình từ 8-10%, đại diện nhiều chủ đầu tư uy tín phân tích: với condotel, chỉ cần lấp đầy 45 - 50% kết hợp với quy trình vận hành hiệu quả là đã đảm bảo được 10% lợi nhuận cho khách.

Trong khi thực tế, vào mùa cao điểm, công suất khai thác phòng của các dự án nghỉ dưỡng tại những thị trường như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Phú Quốc… thường xuyên vượt trên 90%, mùa thấp điểm cũng đạt khoảng 50,60%.

Do đó, lợi nhuận cam kết của các doanh nghiệp địa ốc lớn có thế mạnh về quản lý, vận hành là vấn đề trong tầm tay.

Còn về vấn đề pháp lý, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam,  nhiều địa phương đang linh hoạt cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành "đất ở không hình thành đơn vị ở". Đây là giải pháp tạo cơ sở để người mua BĐS nghỉ dưỡng tại các trọng điểm du lịch được sở hữu lâu dài – mong muốn chung của khách hàng khi mua BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng, ông Nam nhận định.

Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong nước.

"Đối với tính pháp lý của condotel, tôi có kiến nghị dài hạn và ngắn hạn. Kiến nghị dài hạn là làm luật và sửa luật, nhưng kiến nghị này tốn kém và có lẽ chưa nhất thiết phải làm ngay. Còn trong ngắn hạn, tôi kiến nghị đến Chính phủ, các bộ ngành ban hành một thông tư liên bộ về condotel để các địa phương thống nhất triển khai. Trong đó hướng dẫn cụ thể về dự án condotel là dự án được Nhà nước giao đất theo hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở, người mua căn hộ condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở và quyền sở hữu căn hộ lâu dài", ông Trịnh Văn Quyết, người đứng đầu Tập đoàn FLC từng nhấn mạnh trong một hội thảo về condotel diễn ra hồi tháng 3 năm nay.

Thông tin mới nhất từ Bộ Xây Dựng cho biết Bộ này đang nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành quy định quản lý vận hành condotel và dự kiến đầu năm 2019 sẽ có văn bản pháp lý để có cơ sở quản lý.

"Tới đây, các chính sách pháp lý liên quan đến đầu tư bất động sản du lịch (trong đó có condotel) sẽ rất rõ ràng, đầy đủ.  Cá nhân tôi cho rằng, thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay.

Hải An

Theo Nhịp sống kinh tế

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Chung cư Hà Nội thiếu chỗ đậu ô tô

Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội.

Phần lớn các chung cư được đưa vào sử dụng trước năm 2016 tại Hà Nội đều được xây dựng với thiết kế diện tích bãi đỗ xe nhỏ trong khi nhu cầu mua sắm ô tô của cư dân ngày một cao. Điều đó đã khiến cho tình trạng thiếu chỗ đậu xe tại chung cư trở thành nỗi ám ảnh của không ít cư dân Hà Nội.

Chỗ đỗ xe chung cư hiếm như vàng

Dù đã qua hơn một năm nhưng tới giờ nhiều người vẫn chưa quên vụ tranh chấp chỗ đậu ô tô giữa cư dân và chủ đầu tư (CĐT) khu chung cư Golden Westlake (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Cụ thể, do thiếu chỗ đậu ô tô nên CĐT tòa nhà này đã đưa ra hai hình thức tính tiền gửi xe gồm: ngắn hạn 1 triệu đồng/tháng và dài hạn là 800 triệu đồng cho 38 năm. 

Hình thức ngắn hạn thì cư dân chỉ được để ô tô ở hầm B2, phải đi xa hơn. Còn hình thức dài hạn thì cư dân được đậu xe ở tầng hầm B1, đi gần hơn. Cho rằng bị CĐT xử ép, nhiều cư dân chung cư này đã làm đơn đề nghị chính quyền TP Hà Nội xử lý CĐT.

Theo khảo sát của PV, chung cư Golden Westlake chưa phải trường hợp quá thiếu chỗ đậu ô tô, vì ít ra bãi xe chung cư này còn có hai tầng. Nhiều tòa nhà khác chỉ có một tầng hầm, thậm chí còn không có tầng hầm nên người dân phải tìm chỗ đậu ô tô bên ngoài.



Điển hình cho kiểu chung cư này là một loạt tòa nhà ở khu vực bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Cụ thể là khu đô thị HH-Linh Đàm được đưa vào sử dụng năm 2016, gồm 12 tòa nhà cao 33-35 tầng với tổng cộng khoảng một vạn căn hộ nhưng mỗi tòa nhà chỉ được thiết kế một tầng hầm để đậu xe.

“Vì có một tầng hầm nên chỉ được để xe máy, thậm chí xe máy của khách cũng phải gửi ở ngoài vì hết chỗ. Ai sở hữu ô tô thì phải gửi bãi bên ngoài” - anh NVT, cư dân tòa nhà HH4, cho hay.

Tình trạng “khát” chỗ để xe kéo dài nên khu vực quanh các chung cư HH-Linh Đàm, Kim Văn-Kim Lũ… đã phát sinh hàng loạt bãi xe lậu, tự phát gây mất an ninh trật tự. Vào tháng 5-2018, UBND quận Hoàng Mai phải ra quân lập lại trật tự, đóng cửa các bãi đỗ xe lậu này.

Thông thường người tiêu dùng mua nhà dưới 1 tỷ tại Hà Nội đều có xe ô tô, vì vậy như cầu cần chỗ đỗ xe là rất cao. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà đầu tư đã bỏ qua không xem xét vấn đề này

Quy chuẩn đã lạc hậu

Tình trạng khan hiếm bãi đỗ xe ở các khu chung cư mới đây đã được các đại biểu đưa ra tại kỳ họp giữa năm của HĐND TP Hà Nội. Theo các đại biểu, hiện nhiều chung cư tại Hà Nội xây dựng sai thiết kế, điều chỉnh quy hoạch chưa hợp lý dẫn tới quá tải về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tĩnh không đủ khiến cư dân bức xúc.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội , thừa nhận có thực trạng này và Hà Nội đang tập trung giải quyết. Nguyên nhân của việc thiếu bãi đỗ xe là do quy chuẩn, tiêu chuẩn về diện tích đậu ô tô khi xây dựng các khu chung cư đã lạc hậu so với tình hình hiện nay.

Theo ông Vinh, hiện Hà Nội có khoảng 5,5 triệu xe máy (tốc độ tăng trưởng 6,7%/năm) và khoảng 0,6 triệu ô tô (tốc độ tăng trưởng 10%/năm). Gần đây nhiều hộ dân do kinh tế tốt hơn nên đã mua ô tô, dẫn tới nhu cầu về chỗ đỗ ô tô ngày một tăng mạnh.

“Tiêu chuẩn hiện nay chỉ tính bốn căn hộ/chỗ đỗ ô tô hoặc 100 m2 ở thì có 20 m2 chỗ đỗ. Với lượng ô tô như hiện nay, những chung cư xây dựng từ năm 2016 trở về trước áp dụng quy chuẩn của Bộ Xây dựng sẽ thiếu chỗ đậu” - ông Vinh khẳng định.

Trước đó, vào tháng 5-2016, sở này cũng đã đề xuất các chung cư tại Hà Nội phải xây dựng tối thiểu ba tầng hầm nhằm đáp ứng nhu cầu để xe. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị gác lại do nhiều ý kiến phản biện và cho rằng quy định này trái luật, gây khó khăn cho các CĐT, làm giá nhà tăng cao vì thêm chi phí xây dựng.

Nhằm giải quyết thực trạng khan hiếm chỗ đậu xe tại các chung cư ở nội đô Hà Nội, ông Lê Vinh (Giám đốc Sở QH-KT) cho biết ngoài việc đang tập trung tháo gỡ vấn đề phức tạp trên, phía Sở đã tham mưu cho UBND TP định hướng về quy định thiết kế chỗ đỗ xe tại các tòa chung cư cao tầng ở nội đô. Cụ thể, khi xây dựng các tòa nhà phải đảm bảo đầy đủ chỗ đỗ xe theo quy chuẩn và phải có thêm 20% diện tích xung quanh tòa nhà để đảm bảo đủ chỗ đậu xe cho người dân. 

Theo Trọng Phú

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

New Zealand ban lệnh cấm người nước ngoài mua nhà

Chính phủ New Zealand sắp cấm người nước ngoài mua bất động sản nhà ở, thực hiện lời hứa về siết chặt kiểm soát đối với hoạt động đầu cơ địa ốc của nhà đầu tư nước ngoài - vốn được cho là một nguyên nhân đẩy giá nhà tại New Zealand leo thang mạnh những năm gần đây.

Theo tin từ Bloomberg, Đạo luật sửa đổi về đầu tư nước ngoài, với những hạn chế đối với người nước ngoài mua nhà ở New Zealand, đã được Quốc hội nước này thông qua lần cuối cùng tại Wellington vào ngày 15/8. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 2 tháng sau khi được Toàn quyền (Governor General) New Zealand, bà Patsy Reddy, thông qua.

Trong cuộc bầu cử vào năm 2017, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand đã vận động tranh cử bằng lời hứa sẽ ban lệnh cấm người nước ngoài mua nhà, cho rằng hoạt động của giới đầu cơ nước ngoài đã đẩy giá nhà ở nước này lên cao, vượt quá khả năng của nhiều người trẻ New Zealand.

Trong vòng 1 thập kỷ qua, giá nhà ở New Zealand đã tăng 60%, trong bối cảnh lượng người nhập cư cao kỷ lục và nguồn cung nhà mới hạn chế. Tỷ lệ sở hữu nhà của người New Zealand vì thế đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1951.



Các số liệu cho thấy khách mua nước ngoài chỉ đóng một vai trò nhỏ trên thị trường nhà đất ở New Zealand, chiếm khoảng 3% tổng số giao dịch. Tuy nhiên, những nhà đầu tư giàu có người Mỹ như tỷ phú công nghệ Peter Thiel hay "đại gia" truyền thông Matt Lauer đã thu hút sự chú ý lớn khi thâu tóm những bất động sản đắt giá nhất ở xứ kiwi. Những trường hợp như vậy đã làm dấy lên quan niệm cho rằng New Zealand đang trở thành vùng đất "vui thú điền viên" của nhà giàu thế giới.

Theo đạo luật vừa được thông qua, bất động sản nhà ở được phân loại vào nhóm "nhạy cảm", đồng nghĩa với việc người không có quyền cư trú dài hạn hoặc không phải là công dân New Zealand sẽ không thể mua nhà hiện hữu nếu không có sự phê chuẩn của Văn phòng Đầu tư nước ngoài New Zealand.

Cựu Thủ tướng New Zealand John Key, người phản đối lệnh cấm trên, nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài giúp bổ sung giá trị cho nước này thông qua sự kết nối quốc tế của họ, và New Zealand cần mở cửa kinh doanh tển thị trường toàn cầu.

"New Zealand là một quốc gia xa xôi trên thế giới. Chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn nhờ bán hàng cho 5 triệu người dân trong nước, hay bán hàng cho 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu trên toàn cầu? Cá nhân tôi nghĩ là lựa chọn thứ hai", ông Key nói.

Lệnh cấm người nước ngoài mua nhà được New Zealand đưa ra trong bối cảnh đà tăng giá nhà ở nước này đã chững lại và niềm tin doanh nghiệp sụt giảm, đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 7, giá nhà ở New Zealand chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 10/2017.

Australia, quốc gia láng giềng của New Zealand, cũng đã áp dụng cách tương tự để kiềm chế tốc độ tăng giá nhà: cấm nhà đầu tư nước ngoài mua nhà hiện hữu. Nhờ vậy, giá nhà ở Australia đã giảm từ cuối năm ngoái.

Lệnh cấm mới ở New Zealand không áp dụng đối với khách mua nhà là công dân Australia và Singapore, do giữa các nước này đã có sự thỏa thuận từ trước.

Theo số liệu chính thức của Chính phủ New Zealand, hầu hết khách nước ngoài mua nhà ở nước này không khai quốc tịch. Tuy nhiên, các nhà môi giới bất động sản cho rằng đa số họ là người Trung Quốc.

Theo VnEconomy

Sẽ không có “bong bóng” bất động sản trong năm 2018

"Đến nay có thể nhận định không có khả năng xảy ra bong bóng bất động sản trong năm 2018", ông  Lê Hoàng Châu cho biết.

Nhận định này mới được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nêu tại văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan ngày 22/5.

Theo ông Châu, trong thời gian qua đã xuất hiện các cơn “sốt ảo” giá đất, giá đất nền tại các xã ven dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai); các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang); hoặc tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP.HCM. Đây chỉ là những đợt "sốt giá" cục bộ trong phân khúc thị trường đất nền, đất nông nghiệp, thậm chí có những trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật, mà phần lớn là mua bán, chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư thứ cấp, kinh doanh "lướt sóng" kiếm lời.



Chủ tịch HoREA nhận định, thủ phạm chính là giới đầu nậu và "cò đất" với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng gây ra các đợt sốt ảo giá đất, giá đất nền tại một số địa phương. Nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM và các tỉnh, tình hình sốt ảo giá đất, giá đất nền hiện nay tại các địa phương đã bước đầu được kiểm soát, hạ nhiệt.

Riêng, đối với thị trường căn hộ chung cư là phân khúc thị trường lớn nhất của thị trường bất động sản, đã không xảy ra hiện tượng "sốt giá", thậm chí nhiều chủ đầu tư đã giảm giá bán căn hộ chung cư, nhất là các dự án căn hộ vừa túi tiền.

Đối chiếu các nguyên nhân dẫn đến "bong bóng" bất động sản trong quá khứ với tình hình thực tiễn của thị trường hiện nay, Chủ tịch HoREA nhận thấy, tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 đạt 6,81%, nền kinh tế không có tăng trưởng nóng, là mức tăng trưởng hợp lý.

Tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007); dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% cũng là mức tăng hợp lý. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng hoặc cho vay dưới chuẩn; lãi suất huy động hiện nay khá ổn định; lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ trong khoảng 9,3-11%/năm.

Ông Châu cho rằng, trên thị trường bất động sản hiện nay, có 2 nhân tố cần được tiếp tục quan tâm để quản lý, kiểm soát.

Thứ nhất, vẫn còn có tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, và đang "sốt giá ảo" đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực. Kế đến, cũng đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó, có cả giới đầu cơ, đầu nậu, "cò đất" chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Tuy nhiên, hai yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời, chứ không thể gây ra "bong bóng" trên toàn bộ thị trường bất động sản.

Ngoài ra, trong năm 2018, không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản còn do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu bất thường.

HUYỀN TRÂM

Giao dịch bất động sản giảm, giá tăng nhẹ

Theo báo cáo, lượng giao dịch bất động sản trong quý I/2018 giảm nhẹ so với thời điểm quý IV/2017, tuy nhiên giá tăng từ 0,19-3,01%.

Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa có báo cáo về tình hình thị trường bất động sản của cả nước quý I/2018.

Theo báo cáo này, thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2018 vẫn duy trì  mức độ phát triển ổn định. Các giao dịch mua bán nhà ở vẫn diễn ra khá sôi động tại một số dự án được chủ đầu tư mở bán trong giai đoạn cuối năm và những dự án sắp được bàn giao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài và tâm lý mua bán nhà của người dân thường chững lại vào đầu năm nên lượng giao dịch thành công trong quý I/2018 giảm nhẹ so với những tháng cuối năm 2017.



Cụ thể, tại Hà Nội trong quý I/2018 có khoảng 4.000 giao dịch thành công, giảm khoảng 5,9% so với quý IV/2017.

Một số dự án căn hộ chung cư đang triển khai có vị trí hạ tầng thuận lợi, tiện ích khu dân cư đồng bộ, tiến độ xây dựng nhanh và một số dự án đang trong giai đoạn bàn giao được nhiều khách hàng đặt mua, như các dự án tại khu vực quận Cầu Giấy và Tây Hồ.

Tại TP.HCM trong quý I có khoảng 4.500 giao dịch thành công, giảm khoảng 7,14% so với quý IV/2017.

Lượng giao dịch thành công diễn ra chủ yếu ở các dự án có tiến độ tốt, đường giao thông thuận tiện tại các quận ven trung tâm như quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9.

Bên cạnh đó, một số dự án căn hộ chung cư cao cấp tại khu vực các quận trung tâm mới được các chủ đầu tư giới thiệu, mở bán cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng (như dự án Kingdom 101, Quận 10; dự án Phú Gia Hưng, quận Gò Vấp…..

Về giá cả, theo báo cáo của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), giá nhà tăng nhẹ từ 0,19-3,01%
Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư quý I/2018 tăng nhẹ khoảng 0,19% so với quý IV/2017 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng  0,33%, căn hộ trung cấp giá giảm khoảng 0,01% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,84%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng nhẹ (khoảng 1,13%) so với quý IV/2017.

Còn tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư trong quý I/2018 tăng nhẹ khoảng 1,24% so với quý IV/2017. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,41%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,53% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,45%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,01% so với quý IV/2017.                                                   

VẠN XUÂN